Hiệu quả hoạt động thúc đẩy thương mại sản phẩm của các dự án khởi nghiệp

KHPTO – Bên cạnh các hoạt động kết nối ý tưởng, hội chợ Techmart, trưng bày… từ tháng 10/2020, một chương trình mới sẽ được Trung tâm thông tin và thống kê khoa học và công nghệ (CESTI – Sở khoa học và công nghệ TP.HCM) tổ chức định kỳ, đó là chương trình Kết nối sản phẩm nhóm/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) với thị trường. Đặc biệt, nhiều sản phẩm phục vụ nông nghiệp của một số dự án đã kết nối thành công.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ các startup giới thiệu sản phẩm và kết nối startup với các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: chuyên gia công nghệ, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… Bước đầu, trong số 15 startup được lựa chọn giới thiệu trên Cổng thông tin đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ (Techport.vn) và trưng bày sản phẩm tại Không gian giới thiệu sản phẩm startup, một số startup về nông nghiệp đã nhập cuộc với một tâm thế khá hào hứng, tự tin.

Gian hàng với sản phẩm bao bì vui tươi, bắt mắt của Galaxy Biotech (TP.HCM) cùng tên gọi “Túi biết thở” gây tò mò lớn cho du khách. Túi với thành phần nguyên liệu chính là tinh bột sắn mì công nghiệp kết hợp với hạt nhựa phân hủy sinh học. Các hạt nhựa này tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế và được công nhận bởi các tổ chức uy tín trên thế giới như USDA (Bộ nông nghiệp Mỹ), TUV Austria và Eurofins.

Chị Trần Thị Diễm My – CEO Galaxy Biotech, cho biết: “Bắt tay khởi nghiệp ngay đợt dịch Covid-19 bùng phát, Galaxy Biotech có khởi đầu với nhiều khó khăn, tiếp cận khó nhất là tâm lý tiêu dùng của khách hàng, rồi đến nhu cầu thị trường. Nhưng thật may mắn vì CESTI đã có hướng hỗ trợ kết nối cung – cầu cụ thể dành cho các startup”.

Trung thành với hướng đi nghiên cứu tinh dầu là Viện công nghệ hóa sinh ứng dụng, các chế phẩm của viện được điều chế dùng trong nông nghiệp, trồng trọt và hoàn toàn an toàn với sức khỏe con người, góp phần bảo vệ môi trường do được chiết xuất từ thảo dược, đó là chế phẩm Limo AZ 3.000EC có tác dụng diệt trừ các loài sâu rầy gây thiệt hại cho cây trồng; chế phẩm dầu Neem AZA 3.000EC dạng nhũ dầu đậm đặc có tác dụng trừ được 4 loài nấm bệnh gây thiệt hại cho cây trồng; chế phẩm Limo NI làm giảm lượng nitrat hòa tan trong nước giúp tăng năng suất cây trồng và lúa. Các dự án trên đều là đề tài đặt hàng của Sở KH&CN và đã chính thức được Hội đồng nghiệm thu của sở thông qua.

Sản phẩm “Túi biết thở” của Galaxy Biotech.

Hiện 2 chế phẩm Limo AZA 3.000EC và dầu Neem AZA 3.000EC được Cục sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 2281 theo Quyết định số 5037/QĐ-SHTT ngày 15/1/2020. Nhóm tác giả cũng đang tiến hành thương mại hóa sản phẩm ra thị trường.

Công ty cổ phần dược Miphar với thế mạnh là ứng dụng nano vào chăn nuôi và trồng trọt. Đợt này, dược Miphar cũng đem đến giới thiệu các sản phẩm của Nano Xanh – thương hiệu của Miphar chuyên dùng trong nông nghiệp với ứng dụng nano. Cùng với việc tiên phong ứng dụng công nghệ chiếu xạ, Miphar còn tự hào là một trong những đơn vị đi đầu trong nghiên cứu và phát triển chế phẩm nano tinh khiết, hiệu quả cao, giúp cây dễ hấp thu, tăng hiệu quả so với thông thường và đây chắc chắn sẽ là giải pháp đầy triển vọng xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn cho Việt Nam trong tương lai gần. Hiện

Miphar cũng đang tìm kiếm đối tác để hợp tác triển khai đưa sản phẩm Nano Xanh ứng dụng rộng rãi vào nền nông nghiệp, thúc đẩy ngành nông nghiệp nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng.

Nhằm giúp kết nối cung – cầu sản phẩm, trong thời gian tới đây, các sản phẩm cùng thông tin của các đơn vị trên đều sẽ được cập nhật kịp thời tại Trung tâm thông tin và thống kê KH&CN, số 79 Trương Định, quận 1, TP.HCM.

Theo bà Bùi Thanh Bằng – giám đốc CESTI: “Đối với một startup, ngoài việc làm chủ công nghệ thì còn phải tiếp cận và khai thác thị trường. Vì vậy, chương trình kết nối sản phẩm startup với thị trường hướng đến hỗ trợ startup thực hiện mục đích này. Việc giới thiệu sản phẩm của startup thông qua các hình thức như hội thảo, livestream và trưng bày sẽ giúp nhiều nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn và khách hàng biết đến, từ đó tạo thành mạng lưới kết nối rộng rãi với thị trường để hỗ trợ đầu tư phát triển – hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy thương mại hóa, nhanh chóng đưa sản phẩm ra phục vụ thị trường”. Thiết nghĩ, đó cũng là mong muốn chung của hai bên: bên cầu tìm được sản phẩm chất lượng, phù hợp với giá thành hợp lý; bên cung tìm kiếm được thị trường để phát triển sản phẩm.

Chương trình Kết nối sản phẩm nhóm/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) với thị trường là chương trình mới được triển khai trong năm 2020 và sẽ được CESTI tổ chức định kỳ. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ các startup giới thiệu sản phẩm và kết nối startup với các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: chuyên gia công nghệ, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp…

Theo đó, CESTI sẽ hỗ trợ giới thiệu sản phẩm và kết nối với các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Cụ thể như sản phẩm được trưng bày sản phẩm khởi nghiệp (trong 4 tháng) tại Sàn giao dịch công nghệ, số 79 Trương Định, quận 1, TP.HCM; tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp ra thị trường; giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp trên Cổng thông tin đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ Techport.vn.

Sản phẩm của Viện công nghệ hóa sinh.
Trích: http://www.khoahocphothong.com.vn/hieu-qua-hoat-dongthuc-day-thuong-mai-san-pham-cua-cac-du-an-khoi-nghiep-57632.html